Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Theo dấu văn thơ - Kỳ 3: bí hiểm Chiêu Anh Các

Hồn xưa ở nơi nào

Hà Tiên (Kiên Giang) lừng danh với thập cảnh biểu hiện qua mười bài thơHà Tiên thập vịnhdo Mạc Thiên Tích sáng tác. Mạc Thiên Tích là người sáng lập nên Tao đàn Chiêu Anh Các, là nơi ngâm thơ xướng họa về cảnh đẹp Hà Tiên nhưng cho đến nay, có hay không ngôi lầu Chiêu Anh Các vẫn còn là điều mơ hồ.


Chùa Phù Dung - Ảnh: T.D

Biết bao cuộc hội thảo diễn ra nhưng chỉ đi đến kết luận: Chiêu Anh Các chỉ là một tao đàn, không thể coi là một ngôi nhà hay lầu. Ngay cả cố thi sĩ Đông Hồ, núm ruột đất Hà Tiên, dù cố tìm hiểu phân tích nhưng vẫn băn khoăn có hay không chốn riêng dành cho tao nhân mặc khách. Tuy nhiên, ông Trương Minh Đạt, người được mệnh danh là “nhà Hà Tiên học” đoan chắc Chiêu Anh Các có nơi riêng và nền xưa nay nằm dưới ngôi chùa Phù Dung. Ông Đạt căn cứ vào các tư liệu xưa cộng thêm bao năm nghiên cứu vẫn luôn bảo lưu ý kiến nếu có thể cho quật nền chùa Phù Dung lên sẽ thấy rõ dấu vết của nền Chiêu Anh Các xưa.

Thế nhưng Chu Lang Trần Phình Chu, người thông đạt và có kỳ công dịch hơn 60 trong 300 bài thơChiêu Anh Cáclại cho rằng có thể nó tọa lạc trên núi Ngũ Hổ - một ngọn núi có vị trí hiểm yếu ở Hà Tiên. Ông Chu và ông Đạt là dân cố cựu ở Hà Tiên, là bạn thân nhưng khi bàn về Chiêu Anh Các mỗi người đưa ra luận điểm riêng. Ông Chu giả định chùa Phù Dung ngày xưa nằm khá xa, lại heo hút, nếu Mạc Thiên Tích dẫn đoàn người ngựa tới đó ngâm họa thi thơ, bất ngờ bị kẻ thù đột kích rất khó phòng bị. Vì vậy nền Chiêu Anh Các có thể trên núi Ngũ Hổ vì ở đó có quân lính đồn trú và phong cảnh cũng hữu tình, gió mát trăng thanh... Ăn nhập cho văn nhân.

Ông Trương Thanh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội văn chương nghệ thuật tỉnh Kiên Giang, nói trong hai giả thuyết trên thì ông nghiêng về giả thuyết của ông Đạt hơn. Qua nghiên cứu, khảo sát gần đây chứng tỏ trên núi Ngũ Hổ không có dấu tích xây dựng xưa.

Khi đưa ra nhận định trên, ông Chu hãy còn tráng kiện nhưng theo thời gian ông đã bị tai biến, trí tưởng giảm sút hẳn; còn ông Đạt mắt đã kém, chân run, đi có người dìu. Và Chiêu Anh Các vẫn là chuyện xưa chưa hồi kết.

Áo cưới có treo trước cổng chùa

Chùa Phù Dung nép mình trầm tư dưới chân núi Bình San, phường Bình San, Hà Tiên. Ngôi cổ tự được trùng tu phần sân trước nên nét cổ kính đã nhạt nhòa. Lẫn trong tiếng gió, tiếng chuông chùa vang lên gợi nhớ lại một mối u tình: “Áo cưới em treo trước cổng chùa/Tình đầu trao trả lại sức xưa/Đời em như cánh phù dung/Rụng trước cổng chùa tầm tã gió mưa/Đừng nói yêu đương trước cổng chùa...” (Trích vở cải lươngÁo cưới trước cổng chùa).

Lúc xưa xem tuồng này mấy bà mấy cô rớt nước mắt, thương Tô Châu bị mất hôn thê, xót Xuân Tự đoạn tình đi tu, giận quan tổng trấn Mạc Thiên Tích và phu nhân ăn ở bất nhơn. Hơn 50 năm trước, truyệnNàng Ái cơtrong chậu úp do nữ sĩ Mộng Tuyết, ngụ Hà Tiên sáng tác đã tạo đầu đề vô tận cho chuyện tình Phù Dung. Sau đó, vở cải lươngÁo cưới trước cổng chùađã lay động lòng người. Trường đoạn Xuân Tự do nghệ sĩ Thanh Nga, rồi Lệ Thủy diễn cảnh dứt tình trả áo cưới cho bồ đau xé lòng: “Xuân Tự quay lưng vào cửa Phật/Tô Châu trở bước xuống Đông Hồ/Áo cưới vẫn treo trước cổng chùa/Gió bay phấp phới chuông chùa ngân vang/Hết duyên hết nợ đành thôi thế!/Dù có ly tan chẳng phụ tình”.

Nhắc đến chuyện tình Phù Dung, ông Trương Thanh Hùng nói giận chứ sao không, giận vì xuyên tạc quá nhiều. Ông Hùng kể hồi còn nhỏ, xem truyệnNàng Ái cơtrong chậu úp, rồi nghe tuồng cải lươngÁo cưới trước cổng chùamê lắm. Xem mà giận sôi gan Mạc Thiên Tích, tổng trấn phu nhân, buồn thương cho Xuân Tự, Tô Châu duyên tình oan nghiệt. Nhưng sau này lớn lên, đi nhiều nơi, nghiên cứu Văn học lịch sử có hệ trọng đến Hà Tiên lại thương Mạc Thiên Tích và tổng trấn phu nhân vì đột tiếng là ác. Bối cảnh có thật, con người có thật nhưng chuyện tình là hư cấu. Lại nghĩ phu nhân được triều đình sắc phong, từng cầm binh dẹp giặc cỏ oai phong là vậy nhưng qua vài tuồng tích xưa, qua cửa miệng thành người phụ nữ tầm thường, sợ Xuân Tự giật chồng nên ra tay độc thủ. Điều này rất phi lý vì Mạc Thiên Tích có nhiều vợ và con thì chẳng lý nào phu nhân lại ghen hờn tào lao với một cô gái quê như thế.

Ông Hùng nhớ lại: “Hồi chị Mộng Tuyết còn sáng láng, rất nhiều văn nghệ sĩ hỏi chị truyệnNàng Ái cơtrong chậu úp có thật hay không, chị trả lời đó là tiểu thuyết dã sử”. Bởi thế, khi tái bản ấn phẩm đều ghi rõ trên bìa tiểu thuyết dã sử để người đọc không ngộ nhận, ác cảm. Sau này, có nhiều văn nghệ sĩ từ các nơi xa đến tìm hiểu, viết các chuyện tình Phù Dung cũng theo lối xưa, thêm thắt vài tình tiết không đúng. Những nhà văn ở Kiên Giang thường tâm tư với anh em làng văn nghệ sĩ quen thói, đó là chuyện tình hư cấu nhưng đã đi vào tâm thức người dân thành chuyện có thật, muốn chỉnh sửa lại e rằng không dễ nên thôi cứ để vậy, mong văn nghệ sĩ sau này có viết tiểu thuyết, truyện ngắn liên quan đến chuyện tình Phù Dung nên viết đúng sự thực, đừng thêm bớt, tội cho người xưa.

Ông Hùng nói dù gì đi nữa thì Nàng Ái cơ trong chậu úp và Áo cưới trước cổng chùa đã quảng bá hình ảnh đất Hà Tiên, giúp người dân biết nhiều thêm về vùng đất bóng gió cuối trời.

Ông Trương Minh Đạt cho biết, sau khi vở cải lương, tiểu thuyết về Phù Dung ăn khách, có đoàn phim định về quay nhưng ông đã ngăn trở quyết liệt vì không nên đưa một ái tình ảo vào lịch sử. Hỏi ông Đạt con cháu họ Mạc đời sau có ai phản đối không, ông Đạt cho biết họ Mạc truyền đến Mạc Tử Khâm không có con trai; con gái được đặc cách lấy theo họ Mạc. Rồi thêm giặc giã loạn lạc nên đời sau xiêu dạt các nơi, do nặng nợ miếng cơm manh áo nên có giận cũng nguôi ngoai dần.

Thanh Dũng