Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Có cần chữa bệnh "nhớ thương đồng quê"?

Đọc E-paper

Rồi kèm theo bao nhiêu là than vãn, rằng con từng này tuổi chưa biết phân biệt gà trống, gà mái, con trâu hay con bò, cái hom, cái giỏ úp cá. Bỗng dưng nghĩ lại tuổi thơ của mình, không biết khi ấy giữa chiến tranh bom đạn mịt mùng, cha mẹ có nghĩ con khờ dại.

Mình từng mắng khéo con thế này: Mẹ hết lớp 1 đã biết đi bộ cả cây số lên Cung Thiếu nhi Hà Nội tự điền vào lá đơn thi vào lớp bóng bàn. Đi thi cũng đi một mình và đậu ngay vào lớp năng khiếu ấy, coi như "lập thành tích" đầu đời.

Hết lớp 3, vì yêu thích âm nhạc nên cũng lại một mình đi bộ hai cây số đến Nhạc viện Hà Nội hỏi thông tin thi. Ngày mẹ đến thi, còn nhớ phải hát bài Chị ong nâu, lắng tai và đoán vài nốt nhạc do một chú ngồi đàn bên chiếc piano. Mẹ không có khiếu âm nhạc, và rớt.

Thế là ước mong đầu đời vỡ. Hết lớp 4, mẹ bỗng mê tem và trở thành một tay sưu tập tem với vốn dĩ kha khá, khoảng 700 con tem được sưu tập bằng một phong cách khá chuyên nghiệp, cũng dự sinh hoạt ở Hội Những người chơi tem, biết tìm người đàm luận, biết nhịn ăn sáng lấy tiền lên phố Tràng Tiền mua con tem mình yêu thích.

Chấm dứt bậc tiểu học, mẹ đọc đi đọc lại tiểu thuyết Ruồi Trâu. Không tưởng tượng được ngày ấy ông bà phải lo âu điều gì cho con cái. Chắc cũng muôn ngàn nỗi lo, nhưng có nhẽ không ngớ ngẩn kiểu như lo con không phân biệt được con bò hay con trâu, ở nhà một mình có nước chết đói vì không nấu nổi tô mì gói mà ăn!

Nghe mẹ thanh minh nỗi lo ấy, con bật cười, rồi con mua đĩa phim Ở nhà một mình, rủ mẹ xem. Mẹ xem rồi mẹ nghĩ, không phải con sẽ trở thành người ngớ ngẩn khi không phân biệt được trâu hay bò, mà chính mẹ hời hợt khi nặng lòng lo nghĩ về con như vậy.

Nền tảng văn hóa của một đời truyện tranh (tạm gọi bọn trẻ bây giờ) nếu có thiếu hụt nỗi nhớ thương, sự tường tận những hiểu biết về ruộng đồng cũng không thể gọi là thảm họa. Những thế hệ "truyện tranh" sẽ xây dựng một nền văn hóa (dẫu khác) cho bản thân, dựa trên những tác động và đề nghị thích nghi với sự phát triển của tầng lớp đương đại.

Đến chính đời các nhà làm sách giáo khoa bây chừ cũng phải đặt vấn đề: Có nên đưa truyện Tấm Cám vào sách giáo khoa không, và có nên xử lý lại đoạn kết của câu chuyện khi Tấm ra tay báo thù Cám thật tàn độc không, khi hiện chẳng thể giảng đại khái cho trẻ mỏ là chính nghĩa phải thắng gian tà theo những cách vô nhân tính như vậy.

Và đến lúc mình cũng phải nghĩ lại, thế hệ mình cứ bo bo ôm lấy nguồn cội nông nghiệp, lúc nào cũng tỏ thương nhớ đồng quê, nhưng cũng là một đời chưa học đến nơi đến chốn bài học bảo vệ môi trường, là thủ phạm chính của một giai đoạn tàn phá môi trường sống nhiều nhất trong công cuộc phát triển.

Thế hệ "truyện tranh" hiện thụ hưởng rất nhiều thành quả khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ số, thì các em cũng sẽ hình thành nên Nền tảng tư duy của khám phá và nghiên cứu.

Thế hệ này hấp thụ rất nhanh những giá trị chủ chốt cần thiết cho quá trình rèn luyện bản thân dưới những hình thức khác với đời cũ (tạm gọi là thế hệ lúng túng với công nghệ số).

Bạn bảo chúng ngơ ngác với nông thôn, nhưng chúng lại có hẳn một trang trại chăn nuôi, trồng trọt trên mạng ảo, biết tính tình mùa vụ hợp lý, biết thu hoạch và giải quyết hàng tồn kho, thậm chí có đứa còn kinh dinh hẳn một cái "siêu thị trên mạng ảo", những trò chơi làm cho trí óc không ngừng phát triển.

Dù nó không ngây thơ (hay ngơ ngơ) như việc bức phải biết tết một con châu chấu bằng lá dừa, nhưng nó rất giỏi xử lý tình huống khi những ruộng dâu, khoai tây trên mạng ảo đến mùa thu hoạch.

Không giải quyết được, chúng sẽ được nếm ngay cảm giác thất bại và thất vọng với bản thân, kích thích chúng phải suy nghĩ, nhanh nhẹn giải quyết mọi cảnh huống mới đặt ra với tốc độ của thời công nghệ số.

Đừng lo gì cả khi ngày nọ, đứa con mới vào lớp 1 bỗng hỏi: "Mẹ ơi, cậu bé Gióng sinh ra đã ba năm chỉ nằm một chỗ, không biết nói, không biết cười, là cậu bé bị bệnh tự kỷ phải không mẹ?". Xin đừng mắng át là bé nói bậy, rồi khoác lên trí não non nớt ấy huyền thoại dã sử với những lời đẹp đẽ để cho một thế hệ tương lai rối trí giữa những giá trị cốt lõi và không chủ chốt!

Có lẽ chúng ta đang hấp thu một thế hệ có tư duy thiên về lý tính đó! Hãy suy nghĩ thật kỹ một câu đáp mới mẻ và hợp lý với thời đại. Và khi bạn không có điều kiện đưa con về nông thôn để chữa bệnh "thương nhớ đồng quê”, con bạn sẽ có một nền nã văn hóa xử sự của người thành thị. Biết sao được, không ai là toàn diện cả!