Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số chợ manh mối như Long Biên, Đồng Xuân, rất dễ dàng mua được hóa chất tinopal giá từ 400.000 - 550.000đ/kg. Trên một số trang mạng cũng rao bán hóa chất này với mức giá dao động từ 500.000 - 600.000đ/kg. Bà Nguyễn Thị Hòa, người làm bún gia truyền ở làng bún Phú Đô, huyện Từ Liêm cho biết, cách làm bún truyền thống là gạo phải được ngâm nước từ hai-ba ngày. Sau đó đem gạo đi xay thành bột nước, tách nước xong bột ướt đọng lại sẽ được cho vào máy ép, kéo sợi. Làm như thế, bún sẽ có độ dai, giòn tự nhiên và rất ngon. Nhưng bây giờ, nhiều gia đình mỗi ngày làm cả tấn bún thì không lấy đâu nước sôi để rửa bún và gạo cũng không được ngâm lâu như trước nữa mà chỉ cần ngâm hai-ba tiếng. Thậm chí nhiều gia đình làm bún còn dùng “phụ gia” mua ở chợ sỉ về làm cho bún đẹp lên cho dễ bán. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, tinopal được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy… vì tạo độ óng đẹp cho sản phẩm. Theo quy định của Bộ Y tế, tinopal là chất không được dùng trong thực phẩm do rất nguy hại, có khả năng gây ung thư. Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, dễ dàng nhận biết sản phẩm chứa tinopal vì đó là chất có khả năng phát quang (phát ánh sáng). Khi mua bún, có thể dùng đèn cực tím để chiếu vào, nếu thấy bún phát sáng thì có nhiễm chất tinopal. Người tiêu dùng có thể dùng que thử hoặc dùng bột nghệ cho vào, nếu thấy bún chuyển sang màu xám thì sản phẩm có chứa hàn the. Một số chuyên gia cho biết, bún có màu trắng đục, trắng ngà của hạt gạo, dễ bị nát vụn, dễ bị chua là bún không chứa hóa chất độc hại. Bún có hóa chất tinopal nhìn rất trắng, bóng đẹp, khi đưa ra ánh sáng quạ sợi bún thường trắng nhấp nhánh. Bún có hóa chất tinopal thì để lâu khó thiu mà sẽ chuyển sang màu xanh, khô cứng. Tuệ Minh |